KÝ ỨC TUỔI 20
Chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Bê trong một buổi sinh hoạt thường lệ của Chi hội truyền thống Trường Sơn, thị trấn Nước Hai (Hòa An). Nay bà 80 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày đầu tham gia nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
Bà Nguyễn Thị Bê, thị trấn Nước Hai (Hòa An) kể về những ngày làm nhiệm vụ ở Trường Sơn. |
Bà Bê sinh ra và lớn lên tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Khi vừa tròn 20 tuổi, bà viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian ngắn học tập, bà và các bạn đồng môn, đồng niên thuộc Đơn vị C7, Đại đội 25, Binh trạm 14, Đoàn 559 lên đường vào Trường Sơn.
Bà Bê kể: Trên đường hành quân, chúng tôi phải đối mặt với mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù, nhiều đoạn phải băng rừng, vượt núi đá trong khi mỗi người mang trên lưng hơn chục kg quân trang. Sống với rau rừng, nước suối, mắc võng ngủ trong rừng, có đêm thức trắng làm nhiệm vụ. Công việc hằng ngày là làm đường, chở đá, cuốc đất, sửa đường và lấp những hố bom đảm bảo các đoàn xe vận tải đi qua an toàn. Dụng cụ là cuốc, xẻng thô sơ san đường, mở lối. Tôi cùng đồng đội đã tham gia làm tuyến đường 15, 20,… Mặc cho bom đạn dội xuống, chỉ biết rằng phải hoàn thành thật nhiều khối lượng công việc được giao mỗi ngày.
Với tiểu đội nữ thì sinh hoạt nơi rừng thiêng, nước độc vô cùng khó khăn. Cũng như nhiều người khác, Bà Bê phải chịu những cơn sốt rét run người, môi tím ngắt, khi ngủ vắt bám đầy tay, chân, mặt. Trong một lần đang làm nhiệm vụ bà bị trúng mảnh đạn vào chân, may có lực lượng quân y băng bó kịp thời. Khó khăn, vất vả, luôn phải đối mặt với sinh tử mỗi ngày nhưng những người lính trẻ như bà Bê luôn dũng cảm, gan dạ. Trong thiếu thốn cùng cực nhưng tinh thần vẫn luôn lạc quan, kiên cường.
Sau 7 năm ở chiến trường, do dịch sốt rét bùng phát ở các binh trạm, các chiến sĩ mắc bệnh sốt rét khá nhiều, đơn vị của bà Bê được lệnh rút quân. Năm 1973, bà Bê xuất ngũ và chuyển lên Cao Bằng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hòa An (nay là Trung tâm Y tế Hòa An). Sau đó bén duyên với chồng cũng là người lính cùng chiến trường Trường Sơn năm ấy và quyết định ở lại Cao Bằng sinh sống tại thị trấn Nước Hai. Sau khi lập gia đình, bà có 1 người con trai, 2 người con gái. Những người con của bà đã trưởng thành và có gia đình riêng. Năm 1995, bà Bê nghỉ việc vì mất sức lao động.
NHỚ MÃI MỘT THỜI “ĐI B”
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong tâm trí người cựu chiến binh Phạm Viết Hưng, 74 tuổi, phố Hồng Thái mới, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa), những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên. Khoác lên mình bộ quân phục trang nghiêm, trên ngực áo lấp lánh huân chương, ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe về một thời kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.
Tháng 5/1966, chàng thanh niên Phạm Viết Hưng khi ấy vừa tròn 18 tuổi hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông là chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 673, Sư đoàn 316. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội lên đường đi B. Sau khi đến Gia Lai, tháng 8/1967, ông được điều động bổ sung cho đơn vị độc lập C11, Tiểu đoàn 7, E88, địa bàn hoạt động tại Bến Cát, Lái Thiêu, Củ Chi, Gia Định. Tham gia nhiều trận đánh chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu như trận Đồng Dù, Lộ 22…
Ông Phạm Viết Hưng, phố Hồng Thái mới, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) cần mẫn với công việc sửa đồng hồ. |
Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp, kiên cố và rộng lớn, có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục Quốc lộ 1, án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Là nơi đóng quân của Sư đoàn 25 Mỹ - Tia chớp nhiệt đới, nơi xuất phát các cuộc hành quân, tìm diệt lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở miền Đông Nam Bộ. Lúc đó, đơn vị ông làm nhiệm vụ phục kích địch. Trận đánh này, ngay từ phút đầu đã diễn ra ác liệt, quân địch với hỏa lực mạnh điên cuồng chống trả khiến quân ta thương vong ngày càng tăng. Bấy giờ, đơn vị của ông toàn những thanh niên mới mười tám, đôi mươi, non trẻ về tuổi đời, tuổi quân nhưng trước quân thù thì rất mạnh mẽ, quyết liệt.
Đến trận Lộ 22, ông bị mảnh đạn bắn trúng vào đùi phải và lòng bàn tay. Đêm đó, ông phải băng rừng, tìm đường về đơn vị nhưng vì vết thương khá sâu và đau nên không thể đi tiếp được, ông ngủ thiếp đi trong rừng. Sáng hôm sau, ông may mắn gặp được người dân địa phương đưa ông vào viện 71A, miền Đông Nam Bộ để điều trị vết thương. Cuối năm 1970, vết thương của ông Hưng trở nặng nên chuyển lên viện 9 (nay là Bệnh viện Quân y 109), Vĩnh Yên tiếp tục điều trị và an dưỡng, bình phục tại Đoàn 222.
Trong 4 năm sống và chiến đấu ở chiến trường, ông Hưng và đồng đội phải nằm hầm, người cảnh giới, người ngủ ngồi. Đặc biệt vào mùa mưa, mọi người thay nhau ngủ, người ngủ, người tát nước. Ăn gạo rang, rau rừng lót dạ qua ngày. Bom đạn dội xuống xối xả, chất độc hóa học rải trắng rừng, ông chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. Nhớ về những người đồng đội đã nằm lại chiến trường, ông Hưng trầm ngâm, đôi mắt ngấn lệ.
Sau khi xuất ngũ, ông chuyển ngạch, đi học Trường Đại học Kinh tế 1. Năm 1978, ông trở về quê và công tác trong ngành kinh tế - vật tư kỹ thuật. Vừa công tác, ông vừa học thêm nghề sửa đồng hồ. Sau đó, vết thương tái phát, sức khỏe không đảm bảo ông được giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm. Trải qua những năm tháng chiến đấu, ông được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng,…
Chiến tranh kết thúc, ông mang trong mình nhiều vết thương, thương binh 25%, chất độc hóa học 68% nhưng ông tâm niệm “đã là người lính, dù ở đâu, làm gì cũng cần phải phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp trí tuệ, sức lực cho quê hương”. Hằng ngày ông vẫn cần mẫn, tỉ mỉ bên chiếc tủ kính nhỏ với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ đã hoen ố màu thời gian.
Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương cũ lại đau nhức nhưng ông rất đỗi vinh dự, tự hào. Tự hào vì là “Bộ đội Cụ Hồ”, là nhân chứng lịch sử trải qua thời kỳ máu lửa để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
VIẾT TIẾP BẢN HÙNG CA TRƯỜNG SƠN
Theo dòng chảy của thời gian, khúc khải hoàn chiến thắng mãi ngân vang và vẹn nguyên ý nghĩa. Để ngày 30/4/1975 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử, cả dân tộc ta phải trải qua trường kỳ gian khổ, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến, có những người để lại xương máu nơi chiến trường. Vì thế, hơn ai hết, những người từng sống, chiến đấu nơi chiến trường càng quý trọng hơn ngày tháng hòa bình hôm nay, nỗ lực đóng góp sức mình và trân trọng thành quả có được sau những năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình. |
Ông Như Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết: Hội hiện có 580 hội viên, gồm 7 ban liên lạc tại các huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa, Thạch An, Hạ Lang và Thành phố. Những năm qua, Hội triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình giúp đỡ các hội viên khó khăn như: hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, động viên các hội viên. Con em người Cao Bằng vào Trường Sơn lúc đó chủ yếu là lái xe, công binh, thanh niên xung phong, lái tăng thiết giáp,... Trở về đời thường sau chiến tranh, dù làm gì, ở cương vị nào, họ luôn sống gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương. Để lại cho thế hệ trẻ hôm nay những bài học quý báu, giá trị về cuộc sống độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất, tình yêu quê hương, về lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Tác giả bài viết: Hà Thu
Nguồn tin: Báo Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn