Dự lễ kỷ niệm có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê; gần 100 đại biểu là cán bộ Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Buổi lễ ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo trong 94 năm qua. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, với phương châm "Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết", đội ngũ cán bộ Tuyên giáo toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tuyên giáo, hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những kết quả đạt được trong thời gian qua góp phần quan trọng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê chúc mừng toàn thể cán bộ ngành Tuyên giáo nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống. Đồng chí đánh giá cao sáng kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc tổ chức hội nghị gặp măt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ, vừa là dịp để ôn lại truyền thống 94 năm vẻ vang của ngành. Đồng chí nhấn mạnh, cái đích của Tuyên giáo chính là tạo ra sự đồng thuận, tạo dựng, bồi đắp nâng cao niềm tin khoa học, niềm tin cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, xây dựng bồi đắp niềm tin cho cán bộ, đảng viên, cho quần chúng nhân dân. Nhiệm vụ của tuyên giáo cần “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”.
Để thực hiện được nhiệm vụ và mục đích đó, đòi hỏi mỗi cán bộ Tuyên giáo phải nỗ lực không ngừng và toàn diện. Đã là cán bộ Tuyên giáo, cho dù ở cấp nào cần có kỹ năng, trước hết phải có trí tuệ, hiểu sâu biết rộng, có nhiều thông tin, nhạy bén trong phát hiện vấn đề. Cùng với đó là phản ứng kịp thời trước cái sai, cái xấu, thông tin xấu, độc. Bản thân cán bộ Tuyên giáo phải làm gương để người khác, cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập, làm theo. Để có được những phẩm chất, đức tính, kỹ năng đó, thì người cán bộ Tuyên giáo cần phải có niềm đam mê, yêu công việc của mình, phải rèn luyện, cập nhật, bồi đắp không ngừng, thường xuyên liên tục, luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tuyên giáo" cho 3 cá nhân đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành Tuyên giáo.
Tác giả bài viết: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn