Đầu năm 2013, Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh Bến Tre cụ thể hóa giải pháp giảm nghèo, xóa nghèo bằng thực hiện mô hình 5+1, thí điểm ở 25 Hội CCB cơ sở của 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới, 6 xã điểm xóa nghèo và xây dựng Hội của tỉnh. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre - Lê Công Trường cho biết: Mô hình này được tổ chức ở các phân hội, chi hội và tuỳ theo điều kiện mà mỗi nhóm có từ 5 đến 7 CCB giúp đỡ một hội viên khó khăn trong nhóm. Nhiệm vụ cụ thể của nhóm 5+1 là giúp đỡ, vận động hỗ trợ cho CCB khó khăn về vốn, đất canh tác, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập... Những hội viên nghèo, cận nghèo được giúp đỡ phải làm đơn đăng ký xác định thời gian thoát nghèo, thực hiện mô hình nào. Ví như lập kế hoạch chi tiết trong chăn nuôi bò, dê, trồng trọt, làm dịch vụ... để các thành viên trong nhóm theo dõi giúp đỡ.
Qua gần 2 năm thực hiện mô hình ở các xã điểm, năm 2014, Hội CCB tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh. Kết quả, Hội xây dựng được 1.128 mô hình với 5.887 thành viên tham gia vận động giúp vốn, ngày công lao động, cho mượn đất, giúp cây trồng, vật nuôi... tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ CCB thoát nghèo từ mô hình này.
Triển khai thực hiện xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, được nhân rộng. Như mô hình 5+1 của CCB Nguyễn Văn Thắm, ấp Long Khánh, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách nhờ được mượn 2.000m2 đất, ông trồng tắc (quất) mang lại thu nhập ổn định. Ông Thắm cho biết: Hai vợ chồng ông không có đất sản xuất, nhờ anh em trong nhóm cho mượn đất, góp công để phát hoang, đắp mô, cho cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Sau hơn 1 năm chăm sóc, diện tích trồng tắc phát triển tốt, nên gia đình ông thoát nghèo năm 2014. Điều đáng mừng là Hội còn vận động hơn 40 triệu đồng giúp ông xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
Hiện nay, Hội CCB xã Tân Thiềng không còn hộ nghèo và Hội đang thực hiện mô hình 5+1 giúp nhau vươn lên khá, giàu.
Mô hình 5+1 của Hội CCB xã Tân Xuân, huyện Ba Tri được thực hiện bằng việc mỗi hội viên cho mượn 5 triệu đồng (5 hội viên là 25 triệu đồng), giới thiệu vay vốn Ngân hàng CSXH là 25 triệu đồng, quỹ “Đồng đội” cho mượn 10 triệu đồng, tổng cộng hộ nghèo có 60 triệu đồng, thời hạn 3 năm. Với số tiền này, Hội CCB xã hướng dẫn cho anh em mua 2 con bò sinh sản. Trong vòng 1 năm đã có 1-2 bê con. Ngoài ra, hội viên trong mô hình còn giúp công làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và thường xuyên cử hội viên đến động viên và giúp đỡ trong chăn nuôi. Từ năm 2017 đến nay, nguồn vốn này được nâng lên tổng số vốn hỗ trợ 100 triệu đồng. Qua 5 năm, Hội CCB xã thực hiện được 24/24 mô hình, giúp 24/24 hộ CCB thoát nghèo.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lê Công Trường cho biết: Thực hiện mô hình 5+1, Hội cơ sở phải khảo sát lập phiếu kê khai hộ nghèo nhằm giúp hộ nghèo những cái họ cần (vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất...); làm tốt công tác tuyên truyền vận động để họ thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; chọn tổ trưởng tâm huyết, Chủ tịch Hội cơ sở phải quyết định công nhận từng thành viên cụ thể trong tổ; người được giúp phải cam kết quyết tâm thoát nghèo; các thành viên trong tổ phân công kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ CCB vươn lên. Đây là mô hình mang tính nhân văn cao, phát huy được tính đoàn kết, tương ái trong cán bộ, hội viên CCB.