Quốc hội thảo luận về KT-XH và ngân sách nhà nước
- Thứ sáu - 31/05/2019 16:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong quá trình Quốc hội thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bức tranh đẹp, toàn diện
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong phiên thảo luận ngày 30/5, các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 với nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các đại biểu bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được, cho rằng kinh tế, xã hội đất nước là một "bức tranh đẹp, toàn diện" đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương. Đồng thời các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân qua đó đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Buổi chiều đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long); Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Mùa A Vàng (Điện Biên); Hà Thị Lan (Bắc Giang); Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Quang Chiểu (Nam Định); Thái Trường Giang (Cà Mau)... đề nghị Chính phủ và cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng kế hoạch gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học; có cơ chế phù hợp để phát triển giáo dục đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long; có giải pháp chống thất thu thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế; đánh giá lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải pháp triển khai tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; dành nguồn lực nhiều hơn để đầu tư cho các tỉnh khó khăn, biên giới, nâng cao đời sống nhân dân; giải pháp đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; đảm bảo bền vững trong thu ngân sách nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân; thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm người đứng đầu; khắc phục những vấn đề "nóng" liên quan đến thực thi Luật quy hoạch; điều hành chính sách tiền tệ; vấn đề bảo đảm an toàn hàng không;...
Sớm có giải pháp huy động ngoại tệ, vàng trong dân
Góp ý về điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, trong những năm gần đây, điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ đã có nhiều năng động, linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường, tương đối ăn khớp giữa chính sách tài khóa với một số chính sách khác.
Trong thời gian tới, điều hành chính sách tiền tệ, theo đại biểu Trần Quang Chiểu cần tập trung vào 3 vấn đề:
Một là, sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất của chúng ta hiện nay còn cao trong khi dư địa giảm lãi suất vẫn còn.
Hai là, Chính phủ sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ, vàng trong dân.
Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần xem lại một số quy định như hạn chế giải ngân cho công ty tài chính hay người tiêu dùng chỉ khai báo lại mặc dù đã có thông tin đích danh tại tài khoản ngân hàng… Theo đại biểu, “những nội dung này nếu được ban hành sẽ cản trở việc thực hiện kinh tế số và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt”.
Cần ban hành văn bản chi tiết, đồng bộ về tự chủ y tế
Góp ý việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cùng với việc thực hiện thông tuyến về khám chữa bệnh đã thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị, từng bước phát huy tính năng động của từng đơn vị, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước mà chủ động bằng nhiều biện pháp khác nhau như đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn nảy sinh, bất cập từ chính sách cho tới thực tế. Nhấn mạnh điều này, đại biểu cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ để thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế.
Cụ thể, gần đây nhất là ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện còn lại chưa có văn bản hướng dẫn nào. Điều này dẫn đến các đơn vị y tế còn lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu, cách làm, mỗi đơn vị làm một kiểu dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, ví như được giao tự chủ về tài chính nhưng chưa được giao tự chủ về bộ máy, tổ chức, tự chủ về cơ chế thu, tuyển dụng và sử dụng nhân lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị…
Đây là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ để việc thực hiện cơ chế tự chủ đạt hiệu quả thiết thực.
Quy hoạch mạng lưới giáo dục gắn với thị trường
Góp ý về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị, Chính phủ phải quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch tổng thể gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với lao động, việc làm, nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện Việt Nam, với cơ cấu, trình độ hợp lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập,...
Cũng theo đại biểu, phải kiểm soát chất lượng đào tạo đại học, đặc biệt là chất lượng đầu vào, kiến thức giáo dục đại học trang bị cho sinh viên phải gắn với khả năng vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, cũng như với đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và gửi học sinh giỏi đi đào tạo các trường đại học, dạy nghề có trình độ, đẳng cấp quốc tế, khu vực.
Đồng thời cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và từng địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách thực hiện tốt công tác phân luồng, gắn với đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề trong học sinh sau THCS và THPT.
Chú trọng đến chính sách hỗ trợ các trường nghề nhận học sinh tốt nghiệp THCS, và mức lương khởi điểm cho em học viên tốt nghiệp để thực hiện phân luồng hiệu quả, bên cạnh cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa.
Làm rõ động cơ chậm ban hành văn bản
Ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, trong đó có tình trạng nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn làm cho luật không thể đi vào cuộc sống, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá, phân tích cụ thể công tác hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật hàng năm.
Theo đó, cần làm rõ bộ, ngành nào ban hành chậm văn bản hướng dẫn, chậm rà soát văn bản trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung.
“Cần làm rõ động cơ của bộ, ngành chậm ban hành, chậm kiểm tra rà soát để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung có nhằm phục vụ lợi ích cục bộ, ngành mình, hay có “lợi ích nhóm” hay không để có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Tránh để vài bộ phận nhỏ làm "bẩn bức tranh toàn cảnh"
Đầu giờ sáng đã có 91 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ vui mừng trước những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên đại biểu cho rằng nhiều cử tri vẫn hoài nghi với những kết quả đã đạt được bởi niềm tin của họ bị lung lay nên những cái tốt, tích cực không được tiếp nhận như thông thường.
Theo đại biểu, niềm tin người dân bị ảnh hưởng vì thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ. Chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng bức xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng như: Vấn đề BOT giao thông; điều hành giá điện, giá xăng dầu; gian lận thi cử, đánh giá kết quả giáo dục...
Đại biểu cho rằng đây là những vấn đề cần xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng để có phương án giải quyết thấu đáo với tinh thần “dù phác đồ đúng nhưng tình hình người bệnh không tốt lên thì phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai nhiều khi sai ở mắt xích nào đấy. Lúc này cần xem xét, không bảo thủ, duy ý chí, che giấu sai lầm”, tránh để những cố gắng của cả hệ thống lại "bị vài bộ phận nhỏ làm bẩn bức tranh toàn cảnh”.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) tham luận về vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn những bất cập trong việc ban hành thông tư về tiêu chuẩn nước mắm, thức ăn chăn nuôi,... bị dư luận phản ứng thời gian qua, đại biểu nhấn mạnh giải pháp cần minh bạch quá trình xây dựng văn bản pháp luật; khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần mời luật sư và đối tượng chịu tác động của văn bản góp ý, phản biện; đặc biệt cần nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng lợi ích nhóm, "cài cắm lợi ích"; đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, thực thi pháp luật,...
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ đồng tình với báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 với 12/12 chỉ tiêu đều đạt, 8 chỉ tiêu vượt mức Quốc hội đề ra, đại biểu cho rằng đây là niềm vui chung của cử tri cả nước. Đại biểu cũng nhất trí với các giải pháp được Chính phủ đề ra trong năm 2019. Đồng thời đại biểu góp ý việc bảo đảm tiêu chí kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 khi thời gian qua có nhiều mặt hàng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tác động đến đời sống người dân được điều chỉnh giá (dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu, thực phẩm,...).
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) tham luận về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhấn mạnh những kết quả hết sức phấn khởi đã đạt được trong thực hiện chương trình, đại biểu cũng góp ý một số giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn thách thức như: Thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền; ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh;...
Tiếp đó, các đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ); Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau); Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang); Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)... bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được, cho rằng kinh tế, xã hội đất nước là một "bức tranh đẹp, toàn diện" đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Đồng thời, các đại biểu cũng tham luận một số nội dung về: Giải pháp chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp; quản lý giá cả; an toàn thông tin và an ninh mạng; giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; bảo đảm trật tự, an ninh xã hội; đấu tranh triệt phá tín dụng đen, tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ; quản lý người nghiện ma túy; xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng; triển khai các dự án giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng;...
Cần lời giải căn cơ để phát triển bền vững
Khẳng định “kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như: Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Khu vực công nghiệp, thì tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo đại biểu, “đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra cần một lời giải căn cơ toàn diện”.
Đề cập đến những vấn đề cụ thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ, nhưng “tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động”; “cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường”; “năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”,…
Liên quan đến chất lượng lao động, đại biểu cho rằng, năng suất lao động tăng qua các năm, nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Hết 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên. Điều này cho thấy, chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.
Về ngân sách nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần. “Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm”. Nhấn mạnh điều này, song đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, “vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ” để bảo đảm thu ngân sách bền vững.
Để người dân được sống trong môi trường thực sự an bình
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk): “Trong những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tạo ra sự chuyển mình của đất nước, có sự đóng góp rất to lớn của các lực lượng vũ trang trong việc giữ gìn, bảo đảm nền quốc phòng an ninh vững chắc, phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đối ngoại của đất nước”.
Cụ thể, về trật tự an toàn xã hội, đại biểu nhận định chúng ta đã kiềm chế tình trạng gia tăng tội phạm, không để tội phạm lộng hành, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, phá án nhanh, dư luận đánh giá cao. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện điều tra xử lý nghiêm minh, công khai và đúng pháp luật, được cử tri, nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Đặc biệt công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được nhiều chiến công rất xuất sắc, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, thu giữ nhiều số lượng lớn ma túy các loại chưa từng có từ trước tới nay.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, trong Báo cáo đánh giá của Chính phủ đã chỉ ra 11 nhóm tồn tại, hạn chế, trong đó nhóm thứ 11 đã đề cập đến tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực an ninh trật tự.
“Hoàn toàn đồng tình với đánh giá này”, đại biểu cũng chỉ rõ, nhiều cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng, không chỉ ở các thành phố lớn mà đã xuất hiện cả ở nông thôn, các vùng xa xôi, hẻo lánh. Hệ lụy là nhiều gia đình tan gia, bại sản, gây mất trật tự an ninh, xã hội. Trong khi pháp luật của chúng ta chưa gọi tên để xử lý được loại tội phạm này.
Một số cử tri bày tỏ sự quan ngại về tình hình phạm pháp hình sự tăng, có lúc, có nơi gây bức xúc dư luận, như tình trạng mua bán sử dụng chất ma túy, nạn nghiện hút, sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ, trong đó có nhiều vụ án, trọng án nguyên nhân chủ yếu từ người nghiện ma túy gây ra, gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, mặc dù lực lượng công an đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, tuy nhiên có cử tri thắc mắc liệu Việt Nam đã trở thành địa bàn buôn bán ma túy xuyên quốc tế hay chưa? Tại sao một khối lượng rất lớn ma túy bị lọt vào trong nội địa Việt Nam? Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn ma túy tổng hợp trong nước như thế nào?
Tình hình các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi cử tri băn khoăn liệu mức xử phạt với tội phạm trên đã đủ sức răn đe chưa?
Nêu hàng loạt mối quan tâm lo lắng, bức xúc của cử tri, người dân, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần sớm tập trung chỉ đạo giải quyết rõ nét, quyết liệt hơn nữa để mọi người dân được sống trong môi trường xã hội thật sự an bình, hạnh phúc.
Kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân trì hoãn cổ phần hóa
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk), trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xệp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. Các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Ngân sách nhà nước cũng thu được nguồn vốn đáng kể phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cổ phần hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương chậm; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra...
Chỉ ra những nguyên nhân khách quan, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, còn có nguyên nhân chủ quan như: Kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra. Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp, có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa, thoái vốn. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020
Trước đó, tại phiên khai mạc ngày 20/5, thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Báo cáo khẳng định, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH quý IV đã chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020. Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; có kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hàng tháng, hàng quý theo ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về đầu tư, thương mại, thuế, phí, lao động, đất đai, tài nguyên...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị toàn quốc về: hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo... đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển.
Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… với sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển KTXH của địa phương, của vùng và cả nước.
Theo đó, các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội được thể chế hóa và triển khai sâu rộng vào thực tiễn ngay từ những ngày đầu quý I/2019.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả từng lĩnh vực cụ thể
Báo cáo cũng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong từng lĩnh vực cụ thể, chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ điện tử...
Các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chú trọng thực hiện tốt các chính sách về văn hóa, xã hội, môi trường; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục đào tạo, y tế, đạo đức, văn hóa ứng xử; xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, môi trường và tệ nạn xã hội.
Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trấn áp tội phạm; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế... được cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ủng hộ và đồng thuận cao.
Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, GDP quý I/2019 đạt 6,79%
Về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2019, báo cáo cho biết, Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD…
Thời gian qua, chúng ta cũng thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực thực hiện các chương trình, đề án mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 72 huyện và 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,7%).
Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai được quan tâm, chăm lo.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiến hành rà soát, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để lãng phí đất đai. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Không để xảy ra sự cố đáng tiếc về môi trường; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng…
Theo dõi chặt chẽ, ứng phó kịp thời
Nhận định về tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, báo cáo khẳng định: Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Để phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể là, cần theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề mới phát sinh; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ thực hiện trong thời gian tới gồm:
Một là, kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Hai là, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
Ba là, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
Bốn là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Sáu là, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế
Bẩy là, chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.