Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng

https://cuuchienbinh.caobang.gov.vn


Vũ Lập - vị tướng nhân duyên sâu nặng tình nghĩa Việt - Lào

 

Năm 1924, làng Nà Mạ, xã Vĩnh Quang (Hòa An - nay là thành phố Cao Bằng) nằm bên chân núi Kỳ Sầm huyền thoại đã sinh ra một người con trung dũng, kiên cường mang tên Nông Văn Phách, sau này là Thượng tướng Vũ Lập - một vị tướng dày dạn trận mạc trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Lào anh em.


Đồng chí Vũ Lập. Ảnh: T.L

Sớm tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, năm 17 tuổi, Nông Văn Phách đã được tổ chức cử đi học quân sự ở Quảng Tây (Trung Quốc) cùng lớp với các đàn anh Hoàng Văn Thái, Quang Trung, Nam Long… những hạt nhân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam).

Đầu năm 1945, ông cùng đơn vị mở đường Nam tiến hội nhập với Cứu quốc quân, được cử làm Đại đội trưởng Đại đội Bắc Sơn tham gia chiến đấu giải phóng Thái Nguyên rồi tiến thẳng về Hà Nội bảo vệ ngày lễ độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử…

Năm 1946, khi mới 22 tuổi, ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 140, đơn vị giao nhiệm vụ đặc biệt tổ chức bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ sơ tán từ Hà Nội về Sơn Tây lên Việt Bắc an toàn. Với bản lĩnh kiên định, vững vàng và tài năng quân sự tỏa sáng, ông lần lượt đảm đương các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 140, 209, 148, Tham mưu trưởng Đại đoàn 316 hoạt động trên chiến trường rừng núi Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc lập nên nhiều chiến công vang dội.

Sau Chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950 giải phóng Cao Bằng, khai thông hành lang biên giới, cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển từ thế phòng ngự cầm cự sang thế phản công. Thực hiện chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh, ông chỉ huy đơn vị tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm, liên tục tiến công bức rút hàng loạt đồn, bốt của địch ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá tề trừ gian, mở rộng vùng giải phóng trung du, tạo bàn đạp tiến công lên Tây Bắc giải phóng Sơn La, Lai Châu, hình thành thế trận bao vây chia cắt địch ở Điện Biên Phủ, buộc chúng phải chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược ngay trên địa bàn rừng núi hiểm trở điệp trùng.

Trong Chiến dich Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 là đơn vị chủ công đánh chiếm Đồi A1, A2, C1, C2 là những vị trí kiên cố bậc nhất của trung tâm Mường Thanh và trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Với cương vị là Tham mưu trưởng Đại đoàn, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tác chiến, ông đã chủ động đề xuất với các đồng chí Lê Quảng Ba (Đại đoàn trưởng), Chu Huy Mân (Chính ủy) các phương án chiến đấu táo bạo, bất ngờ, thể hiện sự nhạy bén chiến thuật và tinh thần quyết tâm cao, đồng thời trực tiếp chỉ huy, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả. Trận chiến đồi A1 là đòn đánh quyết định số phận của Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ tham mưu của chúng phải ra hàng và chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc số phận của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Sau ngày giải phóng Điện Biên, Vũ Lập được cử đi nước ngoài học Trường Quân sự cao cấp để chuẩn bị cho cuộc chiến mới mà Trung ương Đảng và Bác Hồ đã sớm dự liệu từ Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ra trường trở về ông lần lượt làm Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Quân khu Tây Bắc - một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng nhưng đầy khó khăn, phức tạp cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trải qua gần 20 năm gắn bó với vùng đất biên cương nơi ngã ba biên giới, Vũ Lập luôn kiên định, vững vàng triển khai thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược vừa xây dựng và ổn định cuộc sống, vừa trực tiếp sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Lào. Như một mối nhân duyên sâu nặng nghĩa tình, rất nhiều lần Vũ Lập được giao trọng trách làm Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh mặt trận, Tư lệnh liên quân Việt - Lào.

Theo lịch sử Trung đoàn 174, tháng 11/1967, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Nặm Bạc do Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, lực lượng tham gia chiến dịch là Sư đoàn 316, Trung đoàn 335 và Tiểu đoàn 409 Pa-thét Lào…, Trung đoàn 174 có nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, ngày 21/1/1968, chiến dịch Nặm Bạc thắng lợi giòn giã, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô và nghệ thuật chỉ huy tác chiến hiệp đồng chiến đấu của liên quân Việt - Lào.

Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ghi: Ngày 14/6/1969, Liên quân Việt - Lào mở chiến dịch tiến công Mường Sủi, đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương (sau này là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào) làm Chính ủy, phía Lào có Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum tham gia chỉ huy. Kết quả chiến dịch đã khai thông hai vùng giải phóng Sầm Nưa - Xiêng Khoảng với 4 tỉnh Bắc Lào.

Ngày 25/10/1969, thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch công đánh Cánh đồng Chum (Chiến dịch 139), đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh; đồng chí Xi-phon, Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum làm Phó Tư lệnh. Sau 6 tháng chiến đấu kiên cường, quân ta tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 15 tiểu đoàn địch, đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt, giữ vững vùng giải phóng.

Năm 1970, đồng chí Vũ Lập được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Đoàn 959 Quân tình nguyện Việt Nam, Tư lệnh Mặt trận 316. Lúc này ở bên Lào, đế quốc Mỹ và tay sai đang tập trung binh lực, điên cuồng phản kích tái chiếm lại Cánh đồng Chum. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Đoàn 959 phối hợp với bạn mở chiến dịch mang mật danh Z, tăng cường thêm lực lượng chủ lực của Quân khu Tây Bắc và một số đơn vị binh chủng tham gia. Sau 115 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã thu hồi lại toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nhưng với vị thế là địa bàn chiến lược trọng điểm, cuộc chiến đấu ở đây vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt.

Tháng 2/1972, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch 31, đồng chí Vũ Lập một lần nữa được cử làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính ủy, thống nhất chỉ huy các lực lượng tham gia phòng ngự bảo vệ vững chắc Cánh đồng Chum.

Thắng lợi của chiến dịch đã đánh quỵ hoàn toàn lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân đánh thuê Thái Lan, góp phần làm thất bại Học thuyết Ních-xơn của đế quốc Mỹ, mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương.

Tháng 4/1974, đồng chí Vũ Lập được phong quân hàm Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Năm 1976, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân tộc Trung ương kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; năm 1978 làm Tư lệnh Quân khu 2, năm 1984 được phong quân hàm Thượng tướng.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, chàng trai dân tộc Tày Nông Văn Phách trải qua những năm tháng rèn luyện, chiến đấu, đã trở thành một vị tướng cầm quân dày dạn xông pha trận mạc, một nhà hoạt động chính trị uy tín, 15 năm liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV - VI, ba nhiệm kỳ liền là đại biểu Quốc hội (VI - VIII). Những người từng làm việc và tiếp xúc với ông đều cảm mến gọi ông là "vị tướng nhân hậu", giàu lòng thương lính, thương dân, hết mực trung thành, tận tụy với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Năm 1987, ở tuổi 63 ông ra đi về cõi vĩnh hằng. Trân trọng và thương tiếc ông, thành phố Đà Nẵng (Đà Nẵng), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã có đường phố mang tên Vũ Lập, tên tuổi của ông mãi còn khắc ghi trong lòng nhân dân các dân tộc, đặc biệt là mối quan hệ đoàn kết, gắn bó hai nước Việt - Lào anh em.

Tác giả bài viết: Lã Vinh

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây