Hội CCB tỉnh Cao Bằng có gần 28 nghìn hội viên tham gia sinh hoạt tại 1.890 chi hội thuộc 227 Hội cơ sở. Trong những năm qua, xác định phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” là một nội dung trọng tâm nên Hội CCB các cấp ở tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều hoạt động phong phú nhằm đưa phong trào lan tỏa sâu rộng. Từ phong trào này, nhiều hội viên CCB vươn lên làm giàu trên quê hương mình, tiếp tục khẳng định tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua” của “Bộ đội Cụ Hồ” trên “mặt trận” mới.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội viên CCB tỉnh Cao Bằng đã luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp Hội đã có những biện pháp chỉ đạo hội viên đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Hằng năm, Hội CCB tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của tỉnh, huyện mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả trên đất dốc; tổ chức tham quan các mô hình kinh tế sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh, giúp hội viên nâng cao kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, Hội CCB tỉnh Cao Bằng cũng đứng ra tín chấp với Trung ương Hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để hội viên vay vốn phát triển sản xuất, mua phân bón, con giống các loại. Đến nay, các cấp Hội đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì 410 tổ vay vốn, với trên 10.100 hộ vay vốn, tổng dư nợ gần 370 tỷ đồng.
Phong trào thi đua sản xuất đã giúp nhiều hội viên CCB ở Cao Bằng phát triển đời sống, tăng thu nhập.
Là một trong những gương tiêu biểu ở huyện Phục Hòa (Cao Bằng) về phát triển sản xuất, trước đây gia đình CCB Hoàng Văn Coóng, hội viên Hội CCB xã Lương Thiện thuộc diện hộ nghèo của xã. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội CCB huyện Phục Hòa, ông Coóng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn thịt. Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi nên từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình CCB Hoàng Văn Coóng xuất bán 3 - 4 lứa lợn thịt, trừ chi phí cho thu nhập 100 - 110 triệu đồng/năm.
CCB Hoàng Văn Coóng chỉ là một trong số hàng nghìn hội viên CCB ở Cao Bằng đã vươn lên phát triển sản xuất từ sự hỗ trợ của các cấp Hội. Thông qua sử dụng các nguồn vốn vay đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo thuận lợi giúp hội viên tiếp cận chính sách hỗ trợ đất đai, giống, vốn, để mở rộng trang trại, nhà xưởng... Nhờ vậy, phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” càng có điều kiện lan rộng ở nhiều địa phương. Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 49 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác, 56 gia trại, mô hình VAC do hội viên CCB làm chủ. Kết quả tích cực thu được từ phong trào đã góp phần quan trọng trong việc đưa số hộ hội viên CCB nghèo ở Cao Bằng giảm bình quân 2,5%/năm (giai đoạn 2015 - 2017).
Song song với việc giúp nhau phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu bền vững, đông đảo cán bộ, hội viên CCB Cao Bằng còn luôn tích cực tham gia thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên tham gia gần 14 nghìn ngày công lao động nạo vét mương thủy lợi, làm đường nông thôn; hiến trên 25.400 m2 đất, ủng hộ trên 162 triệu đồng mua vật liệu làm đường nông thôn, đóng góp 44 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa; tham gia xây dựng hàng trăm tuyến “Đường CCB tự quản”… Bên cạnh đó, các cấp hội tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, đã đóng góp, ủng hộ được gần 2 tỷ vào các quỹ: phòng chống thiên tai, vì người nghèo, khuyến học khuyến tài, nạn nhân chất độc da cam...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” của hội viên CCB tỉnh Cao Bằng còn một số hạn chế nhất định như: nhận thức của một số cán bộ, hội viên về việc phát triển kinh tế chưa đầy đủ; một số tổ chức Hội chưa cụ thể hóa các nội dung thi đua vào chương trình công tác để tổ chức thực hiện; công tác phối hợp triển khai phong trào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tổ chức Hội còn có thời điểm chưa liên tục, hiệu quả…
Trong thời gian tới, Hội CCB các cấp ở Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” qua đó giúp cán bộ, hội viên có điều kiện giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, trọng tâm là khơi dậy sự năng động, sáng tạo và quyết tâm khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng của cán bộ, hội viên; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp để đẩy mạnh hỗ trợ hội viên CCB phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng liên doanh, liên kết, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay; phát triển, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi; khuyến khích CCB là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu tàu lôi cuốn và giúp đỡ các CCB khác làm kinh tế, giải quyết việc làm cho CCB và con em CCB...
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với những kết quả thiết thực, đông đảo cán bộ, hội viên CCB tỉnh Cao Bằng đã luôn đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế qua đó vừa nâng cao đời sống bản thân và gia đình, vừa đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Tác giả bài viết: Theo ĐCSVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn